Trà có đam mê với những loại hình nghệ thuật nào không và bắt đầu biết đến nghệ thuật từ khi nào?
Mình nghĩ rằng có hai điểm quan trọng trong hành trình nghệ thuật của mình.
Điểm đầu tiên là khi mình còn học lớp 2. Lúc đó, mình mới chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn và tham gia vào một tiết mục văn nghệ của lớp. Mình nhớ lúc đó mình đóng vai một cô gái cầm bình tưới cây đi từ bên này sân khấu sang bên kia. Dù đó chỉ là một vai diễn nhỏ, nhưng nó để lại ấn tượng sâu sắc và là lần đầu tiên mình tiếp xúc với nghệ thuật.
Điểm thứ hai là khi mình quyết định theo đuổi nghệ thuật thị giác và bắt đầu dựng một show sân khấu. Show diễn ấy có tầm quan trọng nhất định đối với mình bởi đây không chỉ là sự thể nghiệm mà còn là minh chứng cho khả năng của mình trong việc viết kịch bản, làm việc với diễn viên, đạo diễn và sản xuất một show hoàn chỉnh. Thành công của show này đã khẳng định rằng quyết định theo đuổi nghệ thuật của mình là đúng đắn và khả thi.
Trà quyết định theo đuổi nghệ thuật vào thời điểm nào? Khi đó Trà đã làm gì khi đứng trước quá nhiều sự lựa chọn?
Quyết định lựa chọn nghệ thuật của mình diễn ra vào khoảng năm 2017 - 2018, khi mình 27 - 28 tuổi. Vào thời điểm đó, mình đang làm trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Một cơ hội đã đến với mình thông qua một người anh ở Sài Gòn - người đã mang đến một dự án dành cho những bạn trẻ tiềm năng trong nghệ thuật thị giác. Vào thời điểm ấy, tiếng gọi của sân khấu đã nhen nhóm và thôi thúc mình lựa chọn hướng đi này.

Để tạo ra những vở kịch độc đáo và để lại dấu ấn, Trà đã cố gắng học hỏi và trau dồi như thế nào để có thể làm ra những vở kịch tuyệt vời như vậy?
Mình luôn cố gắng học hỏi và trau dồi kỹ năng qua từng dự án. Mình tạo ra những trải nghiệm độc đáo bằng cách thách thức giao ước truyền thống giữa khán giả và vở kịch. Ví dụ, trong một vở kịch, mình đã tạo ra không gian siêu im lặng với âm thanh giới hạn và các nhạc cụ cơ bản để khán giả tự trải nghiệm.
Trước khi vở diễn bắt đầu, mình thường đặt ra những câu hỏi, tạo ra sự tò mò và kích thích trí tưởng tượng của khán giả. Trong suốt quá trình diễn, mình tiếp tục phá vỡ những quy ước, điều này giúp khán giả không chỉ đơn thuần là người xem mà còn trở thành một phần của vở diễn, mang về những cảm xúc sâu sắc và khó quên.
Trà có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất sau buổi biểu diễn không?
Đó là một kỷ niệm vào năm ngoái khi mình mời gia đình đi xem kịch. Vì gia đình mình trước đây khá băn khoăn về khả năng kiếm sống từ nghệ thuật của mình nhưng sau khi chứng kiến buổi biểu diễn của mình và quá trình mình thành công như ngày hôm nay thì họ dần hiểu và ủng hộ hơn. Điều này đã khiến mình rất vui và hạnh phúc.
"Không phải là mình có tiền rồi xong mình đầu tư. Mà là mình đầu tư dần thì xong rồi mình có tiền."
Tương lai mà Trà muốn hình dung trên con đường Trà đi sẽ là gì? Những bước tiếp theo Trà muốn nhận được phải là gì?
Mình có hai phần rõ rệt trong thực hành. Phần thứ nhất là dựng tác phẩm của mình, phần thứ hai là đóng góp vào việc xây dựng một môi trường cho người khác tiếp tục làm nghệ thuật. Mình đã tạo ra những chương trình để người khác có cơ hội dựng show, thực hành và giao lưu như "The Run" và "Project Đẩy Sàn". Mình nghĩ việc đầu tư công sức cũng giống như đầu tư tiền bạc: không phải có tiền rồi mới đầu tư, mà đầu tư dần rồi sẽ có tiền. Mỗi năm, mình đều song song làm một show và ít nhất một chương trình hỗ trợ người khác. Dù đi chậm vì phải làm hai thứ cùng lúc thì mình cảm thấy con đường này đáng giá.

Trà có niềm tin mạnh mẽ để đi tiếp từ những giá trị mà mình cảm thấy là đáng không?
Trà nghĩ là như vậy. Nghệ thuật không phải là để dạy cho người ta điều gì cả. Mà là mở ra những không gian để mọi người có thể truy xuất lại. Khi nhìn vào cuộc đời của những người khác, người ta có thể thấy rằng: với một dự án nhỏ chỉ với 20 - 25 người lại có thể mở ra những hạt giống mà mỗi cá nhân sẽ tự trồng thành 20 - 25 dự án khác. Điều này có thể lan tỏa và mang lại giá trị vượt bậc.
Trà kỳ vọng gì trong 5 năm tới cho con đường nghệ thuật của mình?
Trong 5 năm tới, mình hy vọng sẽ có thêm các hoạt động nghệ thuật và nền giáo dục nghệ thuật sẽ phát triển hơn. Đặc biệt là sân khấu và biểu diễn sẽ nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ các quỹ văn hóa và các nhà tài trợ tư nhân, mở ra nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật có thể sáng tạo và thể hiện tài năng của mình.

Là một nghệ sĩ, Trà có thường được nhận xét là người có tính bền bỉ, một đặc điểm mà Trà cho là quan trọng để thúc đẩy giá trị trong sự nghiệp của mình?
Khi quyết định bắt đầu làm, mình không có bất kỳ hình mẫu nào ở Việt Nam để theo đuổi. Mình phải tự học, tự nghiên cứu và liên kết với các khía cạnh của nghệ thuật. Sau khi nhận được học bổng Fulbright, mình có cơ hội học hỏi thêm tại Mỹ nhưng vẫn tiếp tục tự học và nghiên cứu. Mình luôn luôn đặt thử thách bản thân và tranh luận để tiếp tục học hỏi và phát triển trong nghệ thuật.
"Mình luôn luôn đặt bản thân vào những thử thách và tranh luận để tiếp tục học hỏi và phát triển trong nghệ thuật."
Trong hành trình nghệ thuật của bạn, Trà có thể chia sẻ về tầm quan trọng của tính bền và cách Trà rèn luyện nó hàng ngày?
Mình thấy khi nói về công việc, người ta thường nhắc đến điểm đầu và điểm kết thúc. Trong nghệ thuật và những việc mang đến giá trị, tính bền mới thực sự quan trọng. Dù không biết mình sẽ đi tới đâu, tính bền bỉ giúp mình theo đuổi lựa chọn của mình vì người nghệ sĩ phải rèn luyện nhiều năm mới thể hiện được nhân vật theo cách độc đáo và đáng nhớ. Từ lý do đó, bền bỉ là chìa khóa để đạt được giá trị trong cuộc sống và nghệ thuật bởi lẽ khi làm nghệ thuật, con đường không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tính bền là điều mà mình rèn luyện hàng ngày, dành sự định tâm cho nó. Tính bền đã giúp mình đến những điểm sau này mà mình thấy có giá trị.