Lê Nhật Minh

Lê Nhật Minh

Phi công

"SỰ TỰ DO ĐI ĐÔI
VỚI TRÁCH NHIỆM"

Bạn từng có giai đoạn tuổi trẻ ham chơi, có phần lông bông, bạn có thể kể chi tiết hơn về giai đoạn ấy được không?

Mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn và hiền lành, luôn luôn đạt thành thành tích học tập xuất sắc và nghe lời bố mẹ. Tuy nhiên, năm 2007 là một bước ngoặt đối với mình khi gia đình chuyển vào Sài Gòn vì công việc mới của bố mẹ. Đối với người lớn, sự thay đổi này có thể dễ dàng, nhưng với mình, việc chuyển đến một nơi hoàn toàn mới và phải làm quen với văn hóa và con người là một thử thách lớn. Mình bắt đầu cảm thấy cô đơn và thu mình lại. Sự chán nản khi phải làm quen với môi trường mới cùng với sự thiếu quan tâm từ bố mẹ đã dẫn đến việc mình chán học và có những hành vi phản kháng.

Một sự kiện đặc biệt xảy ra vào ngày mùng 1 Tết, khi mình lén lấy tiền lì xì của anh họ. Khi bố mẹ phát hiện, mình đã lo sợ họ sẽ giận dữ. Tuy nhiên, mẹ chỉ khóc và ôm mình vào lòng. Khoảnh khắc đó đã chạm đến mình sâu sắc, khiến mình nhận ra những hành động của mình đã gây đau lòng cho bố mẹ. Từ đó, mình bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về cuộc sống và trách nhiệm của mình, từng bước tìm lại con người cũ và nỗ lực trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.

Bước ngoặt nào khiến bạn tham gia vào ngành hàng không và đến khi nào bạn thật sự thích cái nghề này?

Ban đầu, mình không có ý định tham gia vào ngành hàng không, dù gia đình mình đều làm việc trong ngành này và định hướng mình theo nghề phi công. Áp lực từ kỳ vọng của mọi người khiến mình không cảm thấy hứng thú với việc trở thành phi công, nhất là khi phải chịu trách nhiệm với tính mạng của nhiều người.

May mắn thay, trước khi bước vào ngành, mình đã có cơ hội tham gia một khóa quân sự tại trường Sĩ quan Không quân Nha Trang. Tại đây, mình được tiếp xúc với những người làm trong ngành hàng không như các anh chị nhảy dù và lái máy bay chiến đấu. Những trải nghiệm này đã giúp mình hiểu và cảm nhận được niềm đam mê của họ.

Sau khi hoàn thành khóa quân sự, bố mẹ quyết định cho mình sang Úc học lái máy bay. Khi ấy, mình bắt đầu làm quen với những chiếc máy bay nhỏ. Thời gian ở Úc đã giúp mình trưởng thành hơn, học cách tự lập và chịu trách nhiệm về cuộc sống. Khoảnh khắc thay đổi lớn nhất là khi mình lần đầu tiên ngồi trong khoang máy bay nhỏ, cảm nhận tiếng động cơ vang lên và nhận ra niềm đam mê thực sự với ngành hàng không. Từ đó, mình bắt đầu yêu thích và quyết tâm theo đuổi con đường này.

Cảm giác của bạn như thế nào trong chuyến bay đầu tiên khi bạn được cầm lái? Có chuyến bay nào mà bạn nhớ nhất không?

Trong hành trình bay của mình, có nhiều chuyến bay để lại những kỷ niệm đáng nhớ. Tuy nhiên, có hai chuyến bay đặc biệt mà mình muốn chia sẻ. Thứ nhất là lần đầu tiên mình được ngồi trong buồng lái và điều khiển chiếc máy bay chở 200 hành khách từ Nội Bài đến Cam Ranh. Hôm đó, mình đã rất hồi hộp và chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Lần đầu tiên trải nghiệm quá trình cất cánh và hạ cánh ở trên một chiếc máy bay lớn là cảm giác đó thực sự đặc biệt, một cảm xúc mà chỉ những phi công mới thấu hiểu và không thể nào quên.

Chuyến bay thứ hai là chuyến bay của mình với lộ trình bay từ Ấn Độ về Sài Gòn. Trong chuyến bay này, một em nhỏ người Ấn Độ đã xin gặp mình và gửi một lá thư cảm ơn rất dễ thương. Em chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên em đi máy bay và rất ngưỡng mộ phi công. Lá thư này đã tiếp thêm động lực lớn cho mình, giúp mình nhận ra ý nghĩa sâu sắc đằng sau công việc phi công.

Khi bắt đầu học ngành hàng không, bạn có gặp khó khăn gì không? Làm sao bạn vượt qua được chúng?

Mình cảm thấy may mắn khi chỉ mất hai năm để hoàn thành khóa học phi công, trong khi phần đồng mọi người phải mất nhiều năm hơn. Trong ngành hàng không, nỗ lực rất quan trọng nhưng sức khỏe mới là yếu tố quyết định. Nhiều người đam mê bay lượn nhưng không thể tiếp tục vì các vấn đề sức khỏe như mù màu hay chấn thương cột sống.

Những người bạn đồng nghiệp của mình hay nói câu “Born to Fly" ("Được sinh ra để bay") và điều này càng được củng cố hơn khi mình chứng kiến những người không kiểm soát được nỗi sợ hãi trong buồng lái. Hạ cánh là thời điểm quan trọng nhất đối với phi công, đòi hỏi sự tập trung cao độ vì đây là giai đoạn nguy hiểm nhất.

Có những lúc mình muốn từ bỏ vì áp lực quá lớn. Với khoảng 100 bài bay cần hoàn thành, các lần kiểm tra lý thuyết và thực hành đều rất căng thẳng. Hơn thế nữa, việc không đạt ba lần sẽ bị đuổi học và mỗi lần thất bại tốn kém rất nhiều chi phí. Những lần không đạt khiến mình tự ti nhưng mình đã phải đấu tranh để không bỏ cuộc. Mỗi khi mình định từ bỏ, mình lại nhớ đến lời bố dặn: "Người khác làm được thì mình cũng làm được," và câu nói đó lại tiếp thêm sức mạnh để mình tiếp tục cố gắng.

“Mình buộc phải trưởng thành, phải có trách nhiệm, và phải đưa ra những quyết định quan trọng.”

Bí quyết nào đã giúp bạn từ một người chơi bời trở thành một người có kỷ luật và trách nhiệm?

Đó không phải là bí quyết, mà thực sự là những gì mình đã trải qua. Trước đây, mình từng là một người khá lông bông, không quan tâm đến ai cả. Để trở thành mình của ngày hôm nay, mình đã phải trải qua rất nhiều thử thách. Khi bản thân ngồi vào buồng lái của chiếc máy bay và phía sau là cuộc sống của 200 người khác đang phụ thuộc vào mình, mình buộc phải có trách nhiệm cũng như tập trung đưa ra những quyết định đúng đắn. Điều này đã giúp mình trưởng thành và thích nghi với trách nhiệm đi cùng.

Làm thế nào để bạn cân bằng cuộc sống cá nhân với công việc phi công trong cuộc sống hàng ngày?

Những ngày đầu tiên thực sự rất khó khăn. Mỗi khi về đến nhà, mình thường thiếu ngủ và mệt mỏi, chỉ muốn thay đồ ra và lên giường ngay lập tức. Nhưng sau một thời gian, mình nhận ra rằng mình cần phải quan tâm đến nhiều thứ khác như dọn dẹp nhà cửa, hỗ trợ bố mẹ và chăm sóc chú chó của mình. Mình cũng đã phải từ bỏ nhiều thứ, như từ chối các cuộc hẹn buổi tối với bạn bè để có thể ngủ sớm và chuẩn bị cho các chuyến bay vào sáng hôm sau. Những sự thay đổi đó đã mang lại lợi ích đáng kể, giúp mình duy trì sức khỏe tốt và có thể dành thời gian cho gia đình cùng các công việc cá nhân.

Khái niệm về tự do trước đây và bây giờ của bạn có khác nhau không?

Khái niệm tự do của mình đã thay đổi rất nhiều qua thời gian. Khi còn trẻ, mình quan điểm tự do chỉ đơn giản là được làm những điều mình thích, như thức khuya xem đá bóng, ăn uống tùy ý hay ngủ muộn mà không phải lo nghĩ. Nhưng giờ đây, mình nhìn nhận việc tự do không thể tách rời khỏi trách nhiệm. Để có được tự do, để được điều khiển bầu trời, mình phải có trách nhiệm lớn, không chỉ với bản thân, gia đình và bạn bè, mà còn với tính mạng của nhiều hành khách tin tưởng vào mình. Tự do đối với mình bây giờ đồng nghĩa với việc đặt trách nhiệm lên hàng đầu, và để đạt được điều đó, mình phải hy sinh rất nhiều.

Bạn cảm thấy thế nào khi giờ đây mình trở thành niềm tự hào của gia đình?

Việc này mang đến cho mình hai loại cảm xúc khác nhau. Trước hết, đó là niềm vui khi thấy gia đình và những người xung quanh tự hào về mình. Đây là một sự thay đổi lớn, đặc biệt khi mình từng phải nghe những lời không tin tưởng như "thằng này sẽ không bao giờ thành công." Giờ đây, mình có thể tự tin đứng trước họ và chứng minh rằng họ đã sai. Chính bản thân mình cũng  ý thức được rằng mình cần làm gương cho người khác và thể hiện sự  trưởng thành trong từng hành động và lời nói. Các em nhỏ trong gia đình thường dõi theo mình như là một hình mẫu cần noi theo.

"Mình sẽ vẫn mắc sai lầm, và những sai lầm đó sẽ dạy mình rất nhiều điều.

Nếu thời gian quay trở lại, bạn có muốn thay đổi điều gì trong quá khứ không? Nếu có, điều ấy là gì?

Mình sẽ vẫn mắc sai lầm và những sai lầm đó sẽ dạy mình rất nhiều điều. Tuy nhiên, điều mình muốn thay đổi là làm sao để những sai lầm đó không ảnh hưởng đến bố mẹ. Mình luôn mong bố mẹ được vui vẻ, không phải lo lắng hay buồn phiền vì mình. Lấy ví dụ như trải nghiệm đỉnh điểm là ngày mình làm mẹ khóc. Đó là lần đầu tiên mình thấy mẹ không giận dữ hay muốn đánh mình, mà chỉ rơi nước mắt. Điều đó đã thay đổi mình rất nhiều. Từ đó, mình nhận ra rằng mình phải trưởng thành và có trách nhiệm hơn, không chỉ vì bản thân mà còn vì bố mẹ, để họ không phải chịu đựng nỗi đau từ những sai lầm của mình.

Bạn có kế hoạch gì cho tương lai trong sự nghiệp phi công của mình không?

Hiện tại, mình đã gắn bó với ngành phi công được 6 năm, trong đó có 4 năm lái cho một hãng hàng không ở Việt Nam. Mình đã tích lũy được 2500 giờ bay và đang hướng tới mục tiêu đạt hơn 3000 giờ để có thể huấn luyện và trở thành cơ trưởng trong tương lai gần. Bên cạnh đó, mình cũng đang suy nghĩ đến việc lập gia đình và thực hiện tốt trách nhiệm của một người con đối với bố mẹ.

Câu chuyện nhà đầu tư khác

nhà đầu tư 0
nhà đầu tư 1
nhà đầu tư 2
nhà đầu tư 3
nhà đầu tư 4
nhà đầu tư 5
nhà đầu tư 6
nhà đầu tư 7
nhà đầu tư 8
nhà đầu tư 9
nhà đầu tư 10
nhà đầu tư 11
nhà đầu tư 12
nhà đầu tư 13
nhà đầu tư 14
nhà đầu tư 15
nhà đầu tư 16
nhà đầu tư 17
nhà đầu tư 18
nhà đầu tư 19
nhà đầu tư 20
nhà đầu tư 21
nhà đầu tư 22
nhà đầu tư 23
nhà đầu tư 24
nhà đầu tư 25
nhà đầu tư 26
nhà đầu tư 27
nhà đầu tư 28
30 years logodragon capital logo