Dường như con đường học tập và sự nghiệp của anh khá dễ dàng. Điều này đến từ chính bản thân anh Ngọc Sơn muốn đạt thành tích cao hay do ba mẹ mong muốn anh như vậy?
Mình là người có nhu cầu khẳng định bản thân rất cao, những công việc mình làm đều xuất phát từ mong muốn đó. Mình luôn muốn chứng minh rằng bản thân có thể làm được nhiều việc và có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nhất định. Hồi còn đi học, mình luôn cố gắng để trở thành người học giỏi nhất, không chỉ để được chú ý mà còn để giúp đỡ bạn bè. Mình rất phấn khích khi được mọi người vây quanh và nhờ mình giải bài tập, điều đó làm mình cảm thấy "ngầu." Khi lên đại học, mình tiếp tục muốn thu hút sự chú ý bằng cách trở thành MC cho các chương trình và sự kiện của trường.

Anh có dễ dàng thích nghi khi chuyển từ quê ra Hà Nội không? Mọi thứ như văn hóa và nhịp sống có sự khác biệt lắm không?
Khi chuyển từ quê ra Hà Nội, mình đã gặp cú sốc lớn do sự khác biệt về văn hóa, nhịp sống và cách tư duy của mọi người. Mọi thứ ở Hà Nội rất hiện đại và nhanh chóng, buộc mình phải thay đổi cách suy nghĩ và lối sống của mình. Ban đầu mình có hơi bỡ ngỡ nhưng nhờ tính cách dễ thích nghi và hòa đồng, mình nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.
Bố mình từng nói một câu mà mình luôn tâm đắc: "Để thành công, con cần biết cách giao tiếp và kết nối với mọi tầng lớp trong xã hội, từ những người làm công việc bình thường nhất đến những người giữ vị trí cao quý. Mỗi đối tượng và mỗi nghề nghiệp đều yêu cầu cách giao tiếp và chia sẻ khác nhau, con cần biết cách thích ứng với từng tình huống."

Nghề MC yêu cầu thể hiện cảm xúc ra ngoài, dù bản thân đang buồn hay khó khăn nhưng khi lên sân khấu vẫn phải nở nụ cười. Anh có bao giờ cảm thấy khó khăn và anh đã vượt qua nó như thế nào?
Không chỉ riêng mình, nhiều người làm MC cũng thường bị hiểu lầm là giả tạo hay thảo mai. Đây là một định kiến gắn liền với nghề MC, bởi bản chất công việc yêu cầu thể hiện sự lạc quan, tích cực. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc thiếu sự chân thành. Để đánh giá một người có thật sự tốt hay không, bất kể nghề gì đều cần thời gian dài để tiếp xúc và tìm hiểu. Với những người bạn thân thiết, mình luôn bộc lộ sự thoải mái và tự nhiên nhất.
Mình thường ví cuộc sống và công việc như một chiếc túi xách. Khi cuối ngày trở về, mở túi ra mình sẽ thấy bên trong có nhiều thứ hỗn độn như điện thoại, đồ dùng cá nhân, ghi chú hay vỏ bánh kẹo. Điều mình cần làm là dọn dẹp những thứ không cần thiết để túi sạch sẽ cho ngày hôm sau. Tương tự, mỗi cuối ngày, mình loại bỏ những điều tiêu cực khỏi suy nghĩ để giữ tinh thần luôn tích cực và thoải mái.
Anh là một người năng lượng và tích cực, vậy anh duy trì sự tích cực này như thế nào?
Sự tích cực không phải là một kỹ năng bẩm sinh mà là quá trình rèn luyện. Con người dễ bị ảnh hưởng bởi năng lượng tiêu cực nhưng bằng việc chủ động thay đổi và tiếp xúc với những điều tích cực, mình dần vượt qua khó khăn. Học cách lạc quan giúp mình vượt qua cảm xúc tiêu cực khi công việc không thuận lợi hay khi chuyện tình cảm không suôn sẻ. Quan điểm của mình là: "Hãy làm công việc bạn yêu thích, khi bạn đam mê những gì mình làm, nỗi buồn sẽ tự động biến mất."
"Mình muốn khẳng định mình là một người có thể làm được nhiều việc."
Làm sao anh cân bằng giữa công việc MC, điều hành công ty, làm giảng viên và thời gian cá nhân?
Cách mình cân bằng công việc là làm việc thông minh, không phải chăm chỉ. Mình tiết kiệm thời gian bằng cách tận dụng nguồn lực xung quanh như nhờ trợ lý chuẩn bị slide trước buổi dẫn chương trình. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh doanh, mình phải chủ động nhiều hơn vì khó nhờ người khác. Mối quan hệ chất lượng mình có hiện tại một phần do mình luôn chủ động kết nối và giới thiệu khách hàng tiềm năng cho công ty.

Anh nghĩ gì về ranh giới giữa việc biết đủ và không ngừng cống hiến?
Mình thừa nhận rằng mình hơi hiếu thắng, luôn muốn làm nhiều nghề và ở nhiều vị trí khác nhau. Có lúc mình cảm thấy stress và phải tự nhắc bản thân giảm bớt sự hiếu thắng. Mình học cách chấp nhận, loại bỏ những thứ không cần thiết và tập trung vào những điều thực sự mang lại giá trị. Nguyên tắc của mình là "chi phí cơ hội" tức khi lựa chọn làm việc gì, mình phải chấp nhận từ bỏ một việc khác.
"Hãy làm công việc bạn yêu thích, khi bạn đam mê với những gì mình làm, nỗi buồn sẽ tự động biến mất."
Nhiều người cho rằng khi làm quá nhiều việc cùng lúc, anh sẽ không thể đạt kết quả tốt trong bất kỳ việc nào. Anh nghĩ sao về điều này?
Nhiều người khuyên mình nên tập trung hoàn toàn vào giảng dạy để mở rộng số lượng học viên nhưng mình không muốn đi theo con đường đó. Thay vì chỉ tập trung vào một lĩnh vực, mình thích kết hợp giảng dạy, truyền thông và dẫn chương trình. Phân bổ thời gian và nguồn lực vào nhiều lĩnh vực khác nhau giúp mình duy trì hứng thú và đa dạng hóa trải nghiệm.
Thực tế, nếu chỉ tập trung vào một lĩnh vực, mình có thể sẽ gặp nhiều khó khăn như trong thời kỳ Covid. Khi mình quyết định thành lập trung tâm ST Lighthouse, mình đã lo lắng về việc không có khách hàng. Để giải quyết vấn đề này, mình đã đầu tư vào hai yếu tố quan trọng là chất xám và hình ảnh. Mình chú trọng đến việc tạo ra một hình ảnh đẹp, lung linh. Điều này giúp mình định vị được thương hiệu và hỗ trợ cá nhân cũng như doanh nghiệp phát triển.
Anh nghĩ gì về sự nỗ lực khi còn trẻ giúp anh đạt được cuộc sống như ý muốn khi về già?
Mình hy vọng rằng khi về già, mình sẽ có thể nghỉ ngơi, sống vui vẻ bên con cháu và tận hưởng thành quả của những nỗ lực tuổi trẻ. Dù hiện tại có bận rộn và đầy thử thách, mình tin rằng những khó khăn đó sẽ giúp mình có được cuộc sống an yên và hạnh phúc sau này.