Được biết anh Tuấn có niềm yêu thích với kinh tế nhưng tại sao anh không chọn học về kinh doanh (đầu tư) mà lại chọn quản lý doanh nghiệp?
Trong thực tế, dù kinh tế và kinh doanh có mối liên hệ mật thiết nhưng lại là hai phạm trù khác nhau. Học kinh tế là học về toàn bộ nền kinh tế bao gồm: kinh tế vi mô, vĩ mô và các lý thuyết kinh tế định lượng cũng như định tính. Tuy nhiên, Việt Nam mình thường hiểu lầm và lẫn lộn giữa kinh tế và doanh nghiệp. Vì thiếu thông tin và sự định hướng, anh đã mất rất nhiều thời gian trong những năm tuổi trẻ để mày mò và tìm hiểu.

Anh Tuấn có phải là một người đi theo chủ nghĩa thực tế, điều gì có thể áp dụng được đều sẽ muốn tìm hiểu sâu hơn?
Năm thứ 3 học tiến sĩ, khi đã trưởng thành hơn anh nhận ra rằng trong học thuật không ai kỳ vọng người học tiến sĩ sẽ làm trong ngành doanh nghiệp. Trong vòng tròn học thuật, mọi người sẽ kỳ vọng bản thân đi dạy nhiều hơn hay nếu có thể thì sẽ trở thành một trong những assistant professor (phó giáo sư) ở top 20 trường hàng đầu thế giới. Ở nhóm thứ hai giống như anh, sẽ học để đi làm doanh nghiệp. Trong suy nghĩ của các giáo sư, giáo viên thường nhóm thứ hai không được đánh giá cao như nhóm thứ nhất. Năng lực học thuật, phân tích hay lý luận của anh, nếu so với những người làm kinh doanh có lẽ nhỉnh hơn một chút nhưng nếu nói về sự thực tế, thực chiến thì có thể chưa bằng, tuy nhiên khi làm cho doanh nghiệp thì cần kinh nghiệm thực tế hơn là học thuật. Và sự kết hợp giữa học thuật với thực tế chính là điều anh thực sự muốn làm và muốn hướng tới.

Vậy theo anh, những nhà đầu tư chứng khoán vào thời điểm khó khăn sẽ học được nhiều điều hơn không?
Theo quan điểm của anh, ai cũng muốn thử đầu tư. Nếu bạn chỉ có ít thời gian mỗi ngày để nghiên cứu, ví dụ như 2 tiếng thì việc đầu tư sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu bạn có thể dành nhiều hơn ví dụ như 8 tiếng mỗi ngày để học hỏi và nghiên cứu đó sẽ là lựa chọn khôn ngoan. Đầu tư đòi hỏi sự điều chỉnh và một kế hoạch rõ ràng.
Vì sao anh Tuấn chọn quỹ đầu tư Dragon Capital?
Quỹ đầu tư là lựa chọn tốt nhất để nhanh chóng tham gia vào đầu tư, bởi đây là nơi quản lý và sử dụng vốn cho các hoạt động đầu tư. Nếu bạn muốn làm trong lĩnh vực này đó là một hướng đi phù hợp và rõ ràng. Với Dragon Capital, anh rất thích văn hóa ở đây bởi vì sự giản dị. Buổi phỏng vấn đầu tiên của anh, anh đã có dịp trao đổi với anh Minh - sếp của anh và sau này là CEO (giám đốc điều hành). Hai anh em chỉ đi ăn và nói chuyện về cuộc sống và học vấn mà không đề cập nhiều đến công việc. Lúc ấy, tinh thần của cả hai là nếu cảm thấy hợp nhau thì làm việc cùng nhau, không cần phải qua các bài kiểm tra phức tạp. Anh quyết định chọn Dragon Capital vì anh thích văn hóa và con người ở đây. Anh thường có xu hướng theo đuổi những người và môi trường mà anh cảm thấy thích ngay từ đầu.
"Mục tiêu có thể thay đổi nhưng đam mê vẫn luôn là điều không thay đổi."
Anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện từ học sinh chuyên toán của trường chuyên Thăng Long Đà Lạt đến tiến sĩ kinh tế của đại học Mỹ? Con đường mà anh Tuấn phát triển bản thân có nhắm đến mục tiêu trở thành tiến sĩ ở Mỹ không?
Anh không có mục tiêu cụ thể mà chỉ có đam mê thôi. Từ một cậu học sinh chuyên toán đến khi trở thành tiến sĩ kinh tế, anh đã trải qua nhiều thăng trầm. Anh nghĩ rằng để vươn lên trong cuộc sống và làm được điều mình đam mê có hai việc quan trọng. Điều thứ nhất là phải buông bỏ thành công trong quá khứ. Nếu chúng ta không thoát ra được thành công cũ thì sẽ không đạt được thành công lớn hơn trong tương lai. Thứ hai, đôi khi chúng ta phải bất chấp quan điểm của mình. Quan trọng là đừng để áp lực và định kiến của xã hội áp đặt lên mình. Môi trường sống là một vòng tròn rất nhỏ so với thế giới rộng lớn ngoài kia. Nếu vượt qua được định kiến này chúng ta sẽ làm tốt hơn rất nhiều. Mình phải biết mình thích gì và phải đấu tranh vì điều đó, không nên để định kiến xã hội ảnh hưởng đến quyết định của mình.

Trong cuộc sống đời thường và quá trình dẫn dắt quỹ Dragon Capital, anh Tuấn thể hiện sự vững vàng về tâm lý như thế nào?
Những biến số là nét đẹp trong đầu tư. Để đối mặt với chúng, chúng ta cần có một phương pháp luận vững vàng. Khi những biến số xảy ra, chúng ta cần thay đổi quan điểm của mình dựa trên phương pháp luận đó chứ không thay đổi phương pháp luận. Trong nấu ăn, ẩm thực cũng có phương pháp luận riêng. Trong thời trang, cũng có phương pháp luận về thời trang. Chúng ta có thể cải tiến phương pháp luận và điều ấy có thể thay đổi theo thời gian khi chúng ta trưởng thành hơn hoặc có những kiến thức sâu hơn. Tuy nhiên, phải có một phương pháp luận vững vàng thì chúng ta mới có thể đối diện được với những biến số trong cuộc sống và công việc đầu tư.
"Tại sao phải đi tìm lại bản thân nếu trong khi có thể tự tạo ra một phiên bản tốt hơn?"
Vậy phương pháp luận cũng như là quan điểm đầu tư của anh Tuấn có thay đổi nhiều không, kể từ khi độc thân cho đến khi có gia đình?
Anh không nghĩ độc thân hay đã có gia đình sẽ thay đổi quan điểm đầu tư. Quan điểm đầu tư sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố chính. Thứ nhất là môi trường làm việc, yếu tố này rất quan trọng. Thứ hai là môi trường đầu tư, mỗi môi trường khác nhau đòi hỏi phương pháp luận phù hợp. Thứ ba là trình độ thẩm thấu và khả năng nghiên cứu của bản thân. Ba yếu tố này kết hợp lại sẽ hình thành phương pháp luận của bạn. Giống như việc bạn học nấu ăn với một đầu bếp người Thái chuyên nấu các món cay thì chắc chắn phương pháp luận của ông ấy sẽ liên quan đến vị cay. Ngược lại, nếu bạn học với một đầu bếp chuyên về ngũ hành, ông ấy sẽ có cách làm thức ăn theo trường phái của mình.
Triết lý sống của anh Tuấn là gì?
Ngắn gọn trong câu "Cuộc đời chúng ta không nên đi tìm bản thân của chúng ta mà phải xây dựng, tự tạo ra phiên bản tốt hơn của chính mình".