Từ khi nào anh Trí bắt đầu cảm thấy tò mò và nghiêm túc nghiên cứu sâu về văn hóa lịch sử Việt Nam? Khoảnh khắc nào đã đánh thức tình yêu của anh với cổ phục?
Trước khi bắt tay vào dự án Chiêu Minh Các, mình đã làm việc trong ngành media khoảng 10 năm. Sau thời gian đó, mình cảm thấy mình không còn đủ sức trẻ để tiếp tục công việc cũ. Trong một lần đi chụp ảnh, mình tình cờ nhận ra phong trào phát triển Việt Phục đang dần trở lại. Lúc ấy, mình đã nhìn thấy một chiếc áo Nhật Bình rất đẹp, mang đậm nét đặc trưng của thời Nguyễn. Cảm xúc lúc đó khiến mình tự hỏi: "Tại sao mình chưa biết đến những điều này trước đây?" Lúc ấy, mình chỉ biết Việt Nam có áo dài, trống đồng, và bánh chưng. Mình tự hỏi còn bao nhiêu điều về văn hóa Việt Nam mà mình chưa biết. Chiếc áo mình thấy được phục dựng bởi nhà nghiên cứu Vũ Văn Giỏi cho Viện Bảo tàng Thành Phố. Bởi vì sự yêu thích cho chiếc áo Nhật Bình, mình đã học cách may thử nhưng lại gặp khó khăn vì chưa có nhiều nơi thực hiện như bây giờ. Chính vào khoảng khắc ấy đã khơi gợi nhiều ý tưởng trong mình.

Khi bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang cổ phục, anh Trí đã gặp những khó khăn gì và làm thế nào để vượt qua chúng?
Quyết định làm thời trang cổ phục lúc đó có thể gọi là khá liều lĩnh vì thời trang là một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt so với chuyên ngành mình được đào tạo. Mặc dù mình học mỹ thuật ở trường đại học nhưng thời trang lại là một lĩnh vực rất chuyên biệt. Giai đoạn đầu tiên đầy thử thách: không có tư liệu, không có ai để chỉ dẫn và bản thân mình cũng không biết bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, mình tin vào sự định mệnh: khi mình quyết tâm làm và mong muốn điều gì đó đủ nhiều thì sẽ có nguồn lực hỗ trợ. Vào thời điểm đang loay hoay đó, nhiều bạn trẻ giống như mình cũng muốn tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Chúng mình đã gặp gỡ, thảo luận và giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ vậy, mình đã có những người bạn và cộng sự vẫn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ nhau đến thời điểm hiện tại.

Anh Trí có thể chia sẻ lý do anh thành lập Chiêu Minh Các và những giá trị cốt lõi nào anh mong muốn truyền tải qua các sản phẩm cũng như thương hiệu của mình?
Khi bắt đầu con đường này, niềm đam mê là ánh sáng dẫn đường trong đêm. Mình tin rằng thời trang cần có tính ứng dụng và cá nhân hóa. Nhiều bạn trẻ có mong muốn mặc trang phục truyền thống trong đám cưới nhưng không thích áo dài hiện đại. Mình thấy được nhu cầu lớn cho trang phục truyền thống và đã bắt đầu với những người xung quanh, bạn bè của mình. Khi tổ chức đám cưới, một số bạn bè của mình thích mặc áo dài, số khác lại ưa trang phục truyền thống khác. Mình thuyết phục họ thử những bộ trang phục do chính mình thiết kế. Những khách hàng đầu tiên đã giúp mình cải tiến và dần hoàn thiện sản phẩm. Đó là một quá trình đầu tư tốn thời gian, tiền bạc và công sức vì mình phải tự tìm cách làm thay vì được đào tạo bài bản.
Cho cái tên “Chiêu Minh Các” thật ra có hai ý nghĩa. Một cách hiểu rộng hơn với hai từ "Chiêu Minh" mang ý nghĩa là gọi ánh sáng và "Các" có nghĩa là một cái lầu nhỏ. Cách hiểu thứ hai với “Chiêu Minh” trong thương hiệu là sự tự phát sáng của một viên ngọc khi ở trong bóng tối. Đó là sự nhận thức và ngộ ra. Tên thương hiệu này phản ánh cho hành trình và câu chuyện của chính mình khi bản thân nhận ra việc cần làm và quyết tâm đi trên con đường mình đã chọn.
Chiêu Minh Các là một thương hiệu thời trang mang yếu tố "lịch sử văn hóa" vậy anh Trí có xem đây là lợi thế cạnh tranh khi đầu tư xây dựng thương hiệu hay chỉ đơn thuần là để thỏa mãn đam mê?
Thực ra, mình không sợ cạnh tranh vì đó là điều tất yếu. Mỗi lĩnh vực đều có sự cạnh tranh. Thay vì xem các thương hiệu khác là đối thủ, mình xem điều ấy là cơ hội để cung cấp thêm lựa chọn cho khách hàng. Lấy ví dụ như nếu khách hàng đã có một chiếc áo vest, mình cung cấp thêm sự lựa chọn là áo cổ phục. Thị trường cần sự đa dạng chứ không phải loại trừ nhau. Áo dài hiện đại vẫn rất đẹp và mọi người có quyền lựa chọn trang phục phù hợp cho dịp của mình.
Khi bạn chọn mua một chiếc áo truyền thống hoàn chỉnh thì sẽ có những thương hiệu chuyên phục vụ cho phân khúc đó. Tuy nhiên, nếu bạn muốn một thiết kế riêng, muốn nghe câu chuyện về từng chi tiết thì bạn có thể đến với chúng mình. Chúng mình sẽ kể cho bạn biết lý do và cách thức thể hiện từng chi tiết của trang phục. Đây chính là đặc trưng của Chiêu Minh Các và là điều tạo nên phong cách riêng biệt. Có những khách hàng yêu thích phong cách này và sẽ có những người lại chọn những phong cách khác. Thị trường tự nhiên sẽ phân bổ khách hàng cho từng đơn vị mà không cần sự cạnh tranh gay gắt. Mỗi thương hiệu có những khách hàng riêng và sự đa dạng đó giúp thị trường ngày càng rộng mở, không ai bị loại trừ.
“Khi mình quyết tâm làm và mong muốn điều gì đó đủ nhiều thì sẽ có nguồn lực hỗ trợ.”
Việc kết hợp cổ phục vào các dự án phim ảnh có phải là một chiến lược "đầu tư" để đưa cổ phục đến gần hơn với công chúng?
Ngành thời trang là một lĩnh vực rất năng động và mình phải luôn sẵn sàng thích ứng với những xu hướng mới. Việc áp dụng cổ phục vào thời trang hiện đại không phải là một điều dễ dàng, thậm chí có thể ví như việc kết hợp dầu và nước. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng ta đã tìm được cách tiếp cận để dung hoà yếu tố hiện đại vào trong cổ phục.
Khi cổ phục được đưa vào thời trang hiện đại, điều này có thể gây sốc cho cả giới thời trang lẫn giới cổ phục. Ban đầu, mình cũng phản đối điều này và cho rằng điều ấy không phù hợp. Tuy nhiên, mình dần nhận ra rằng không thể tiếp tục tranh cãi mãi về vấn đề này bởi vì đó là nhu cầu của khách hàng. Nhiều nhà thiết kế thời trang đã tìm đến mình để kết hợp cổ phục trong các sự kiện lớn như Miss Grand hay Miss International. Mình hiểu rằng cần phải tìm cách hòa hợp giữa hai thế giới này. Mục tiêu của mình là làm cho văn hóa và lịch sử sống động chứ không thể chỉ để thỏa mãn cá nhân mình. Đôi khi, việc giảm bớt cái tôi và chấp nhận những sự thay đổi là cần thiết, giống như con cá khép miệng lại để không bị mắc vào cần câu.

Anh Trí có phải tự nghiên cứu để làm ra một bộ sưu tập của mình hay chỉ làm theo những gì khách hàng yêu cầu? Anh đã làm thế nào để cân bằng giữa yếu tố "thời trang" và "cá nhân hóa" vào một sản phẩm có tính lịch sử mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng? Có những quy tắc nào mà anh đặt ra cho mình không?
Khách hàng thường chia thành hai nhóm: nhóm đã biết rõ mình muốn gì và nhóm cần tư vấn thêm. Đối với nhóm thứ nhất, mình chỉ cần làm theo yêu cầu của họ. Còn với nhóm thứ hai, đây là cơ hội để mình đặt câu hỏi và giúp họ hiểu rõ hơn về mong muốn của mình. Mình rất may mắn khi làm việc với những người hiểu và đồng ý với ý kiến của mình.
Trước đây, mình gặp nhiều khó khăn do vướng phải những định kiến lâu đời. Lấy ví dụ như việc mặc áo bà ba đen sẽ dễ gây liên tưởng đến thầy đồ. Tuy nhiên, trong thực tế, thầy đồ cũng có thể mặc những trang phục khác nhau. Tựa như việc mặc một chiếc áo sơ mi, sẽ có trường hợp có người cài hết nút hay có người lại xắn tay áo lên. Cùng với một chiếc áo, cách mặc khác nhau sẽ thể hiện tính cách khác nhau. Cân bằng giữa yếu tố "thời trang" và "cá nhân hóa" đòi hỏi mình phải hiểu rõ về nhân vật và bối cảnh. Điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên khi mình biết bản thân cần làm gì và nhà sản xuất phim cũng sẽ biết cách tuyển chọn diễn viên phù hợp.
"Khi mọi người thấy mình là một mảnh ghép của dòng chảy thời gian thông qua trang phục, văn hoá và lịch sử sẽ trở nên sống động và có ý nghĩa hơn."
Trong thời trang thường đề cao tính "sáng tạo", vậy anh Trí có gặp những khó khăn nào trong việc "sáng tạo" trên một di sản văn hóa mà vẫn giúp có tính ứng dụng vào đời sống hiện đại?
Câu hỏi này là một vấn đề mình đã trăn trở rất nhiều khi bắt đầu làm việc. Mình có hai hệ thống để xác định liệu việc mình làm có hợp lý hay không. Hệ thống đầu tiên là các quy chuẩn và quy ước về thời trang, bao gồm bốn tiêu chí: kiểu dáng, chất liệu, màu sắc và hoa văn. Bất kỳ trang phục nào cũng phải tuân theo bốn tiêu chí này. Hệ thống thứ hai là các quy định về trang phục, form dáng và nét đặc trưng của trang phục. Khi mọi người thấy mình là một phần của văn hóa và lịch sử thông qua trang phục, điều ấy sẽ sống động và có ý nghĩa hơn.
Nếu phải gói gọn tinh thần đầu tư của mình bằng một câu ngắn gọn, anh Trí sẽ nói gì?
Khi mình lựa chọn thời trang, mình xem đây là cơ hội để đầu tư vào văn hóa và quảng bá lịch sử của nước mình. Thời trang là một ứng dụng trực quan và gần gũi vì trang phục là thứ mà mỗi cá nhân mặc mỗi ngày. Mỗi người sẽ có mối quan tâm khác nhau về văn hóa, lịch sử và điều này được thể hiện qua trang phục họ chọn. Để ứng dụng văn hóa và lịch sử một cách hiệu quả, chúng ta cần tìm ra cách để mọi người có thể tạo sự kết nối với dễ dàng hơn. Khi mọi người thấy mình là một mảnh ghép của dòng chảy thời gian thông qua trang phục, văn hoá và lịch sử sẽ trở nên sống động và có ý nghĩa hơn. Nếu không, văn hóa và lịch sử có lẽ sẽ chỉ nằm trong viện bảo tàng mà thôi.