Culinary Frank

Culinary Frank

Nhà sáng tạo nội dung / Đầu bếp

"ĐẦU TƯ VÀO ĐAM MÊ CŨNG CẦN SỰ DŨNG CẢM"

Frank có thể chia sẻ về hành trình bắt đầu với nghề đầu bếp và lý do Frank chọn nghề này không?

Khi đang học cấp 3 tại Singapore, lúc chuẩn bị tốt nghiệp mình chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng mình làm gì. Sau đó, mình gặp một bạn đến từ Thái Lan gợi ý cho mình ý tưởng học về Culinary Art (Nghệ thuật ẩm thực). Lúc ấy, mình chưa biết Culinary Art là gì nên khá bỡ ngỡ nhưng sau khi dành thời gian tìm hiểu mình bị thu hút bởi nghệ thuật ẩm thực.

Sau khi xem qua các thông tin, mình quyết định theo đuổi học tập tại trường At-Sunrice Global Chef Academy. Ban đầu, khi chưa có định hướng rõ ràng mình ngỡ rằng chỉ cần đăng ký vào trường là có thể bắt đầu học nhưng thực tế lại rất khác. Trường làm tâm lý rất kỹ, mình phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn khắt khe từ trường, từ phỏng vấn qua điện thoại đến viết luận về lý do muốn trở thành đầu bếp và cuối cùng là phỏng vấn trực tiếp tại trường mới có thể đăng ký học.

Khi nhìn lại, những câu hỏi kỹ lưỡng như này rất cần thiết để mình khẳng định sự quyết tâm và đam mê thực sự của mình đối với ngành bếp. Bởi lẽ, ngành nghề bếp không hề đơn giản. Nó đòi hỏi mình phải có sức chịu đựng và tinh thần vững chắc để đối mặt với nhiều thử thách và rủi ro. Tuy nhiên, mình đã xác định rất kỹ đó không chỉ là một nghề mà còn là đam mê từ khi còn rất nhỏ. Dù trong gia đình không ai làm đầu bếp nhưng mỗi người có một liên kết nhất định đối với ẩm thực. Như mẹ mình nấu ăn rất ngon còn ba mình thì rất hay mang về những nguyên liệu, món ăn đặc sản sau mỗi chuyến đi trải nghiệm. Bản thân mình khi nhớ lại thời thơ ấu của mình, mình cũng rất thích xem các chương trình về nấu ăn, đặc biệt là chương trình Yan Can Cook của siêu đầu bếp nổi tiếng người Trung tên Martin Yan. Khi mình có những nhận thức về bếp, mình khẳng định mình đã chọn đúng con đường.

Khó khăn của Frank khi học ngành đầu bếp và cách Frank vượt qua chúng như thế nào?

Trong quá trình học, mình đã có cơ hội thực tập ở nhiều bếp khác nhau: từ bếp Á đến bếp Âu. Điều may mắn đầu tiên là mình được học hỏi và làm việc trong môi trường rất tốt, dù cũng có kha khá áp lực. Tuy vậy, mình đã học được rất nhiều, nắm được nhiều kỹ năng: từ cách sử dụng dao đến cách vận hành một căn bếp. Điều thứ hai giúp mình vượt qua quãng thời gian ấy chính là các anh chị đồng nghiệp. Chính họ đã giúp mình xây dựng nền tảng tư duy nghề nghiệp vững chắc trong suốt thời gian học tập.

Trong suốt khoảng thời gian thực tập, mình hoàn toàn không bị vỡ mộng. Mặc dù bản thân đã phải đối mặt với áp lực, nhưng khi nghĩ đến trường và những câu hỏi trước đó, mình thực sự hiểu lý do tại sao trường lại đề ra những yêu cầu phỏng vấn và viết luận như thế. Bởi lẽ, áp lực là có thật và chỉ những người có đam mê và cam kết với nghề bếp mới có thể vượt qua.

Có một sự thật phũ phàng rằng ban đầu lớp mình có đến 20 người nhưng hiện tại chỉ còn 5 người tiếp tục theo đuổi nghề bếp. Đây là một quá trình sàng lọc căng thẳng nhưng cũng là cách để chọn lựa những người thực sự phù hợp với ngành này.

Frank có nghĩ mình sẽ đạt được mục tiêu mình đặt ra hay không?

Câu trả lời của mình là có. Mình là người thích thử thách và khó khăn. Đối với mình, những thử thách là cơ hội để phát triển. Khi đã đặt mục tiêu cho bản thân dù khó đến đâu, mình vẫn sẽ nỗ lực hết mình để đạt được điều đó. Trải qua quãng thời gian làm việc trong môi trường bếp, mình đã học được từ một anh nhóm trưởng - người đã truyền cho mình một tư duy làm nghề rất đáng trân trọng: “Cái gì khó nhất, cái gì mình ghét nhất, mình phải làm nó giỏi nhất”.

Có công việc nào trong quá trình làm đầu bếp mà Frank ban đầu ghét nhưng sau đó Frank đã làm rất giỏi không?

Trong công việc bếp, có nhiều nhiệm vụ như: làm cá, pha chế sốt hay những công việc mà mọi người đều không thích khi mới bắt đầu. Tuy nhiên đối với mình, những việc khó và ít ai muốn làm mình lại càng muốn làm. Ví dụ khi nhà hàng tổ chức hoạt động outing (sinh hoạt) bên ngoài, cần có người ở lại nhà hàng để đảm bảo vận hành, mình là người xung phong làm điều đó.

Ngoài đam mê nấu ăn, mình cũng có đam mê với nhiếp ảnh. Khi ở Úc, mình từng trải qua một giai đoạn mất lửa với nghề. Để thoát khỏi cảm giác đó mình tìm kiếm một hoạt động sáng tạo hơn, mình quyết định viết blog (nhật ký website). Dù viết blog tốn nhiều thời gian và công sức nhưng nó đã giúp mình phát triển kênh Culinary Frank. Sau này, mình chuyển sang quay video và chia sẻ trên kênh YouTube nhiều hơn.

“Mình đã học được rằng không thể làm hài lòng tất cả mọi người và quan trọng là phải chấp nhận và học từ những phản hồi này để trở nên tốt hơn…”

Frank có phải hy sinh điều gì để giữ được nghề và theo đuổi đam mê của mình không?

Mình tin rằng để theo đuổi đam mê, sự hy sinh là điều không thể tránh khỏi. Mình đã phải hy sinh rất nhiều thời gian cá nhân để duy trì công việc và kênh YouTube của mình. Thay vì nghỉ ngơi vào các ngày nghỉ, mình dành thời gian để nghiên cứu công thức, quay phim và chỉnh sửa video.

Lúc đầu, việc chỉnh sửa kéo dài rất lâu vì chưa quen. Mình cũng phải tuân thủ các xu hướng như "golden hour" (khung giờ vàng) để đăng video vào thời gian thích hợp, điều này đòi hỏi mình phải lên kế hoạch cụ thể. Với chỉ một ngày nghỉ trong tuần, mình buộc phải làm đủ mọi thứ ngay sau khi đi làm về: từ việc tắm rửa, ăn uống đến chỉnh sửa video và học hỏi cách chỉnh sửa trên máy tính. Đôi khi, mình làm việc đến khi ngủ quên và khi tỉnh dậy mình lại tiếp tục công việc còn dang dở. Dù vậy, mình chưa bao giờ hối tiếc vì mình thích thử thách và nếu không hy sinh bất cứ thứ gì thì làm sao mình có thể duy trì sự sáng tạo và đam mê của mình.

Lý do gì đã khiến Frank quyết định theo đuổi phong cách nấu ăn ASMR? Frank đã gặp những khó khăn gì khi mới bắt đầu tạo nội dung và làm sao để vượt qua chúng? Frank đã học được gì từ những phản hồi tiêu cực từ người xem?

Ban đầu, mình đã thử nghiệm nhiều phong cách và định dạng video cho kênh của mình. Trong một lần mẹ mình tình cờ giới thiệu kênh Peaceful Cuisine từ Nhật Bản: người này chế biến món ăn chay với phong cách nhẹ nhàng và áp dụng hiệu ứng ASMR. Mình bị cuốn hút bởi sự thanh nhã của những video và bắt đầu đặt cho mình một thử thách là làm sao để tạo ra những video như vậy. Việc đó đã trở thành nguồn cảm hứng và tiêu chuẩn để mình theo đuổi. Mình bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về chỉnh sửa, thiết bị và góc quay. Những nỗ lực này đã giúp mình phát triển phong cách riêng và mình rất vui khi thấy công sức của mình được đánh giá và chấp nhận.

Ban đầu, mình đã phải đối mặt với những phản hồi tiêu cực từ người xem. Tuy nhiên, thay vì bị lung lay mình luôn xem đó là cơ hội để học hỏi và cải thiện. Những ý kiến này giúp mình nhận ra những điểm cần cải thiện và thúc đẩy mình tiến bộ hơn. Mình đã học được rằng không thể làm hài lòng tất cả mọi người và quan trọng là phải chấp nhận và học từ những phản hồi này để trở nên tốt hơn.

"Expect the unexpected” - Luôn sẵn sàng cho những điều bất ngờ

Làm sao Frank có thể quản lý hết được mọi khía cạnh trong công việc và gia đình của mình?

Mình là người có tính sáng tạo và chủ yếu hướng tới nghệ thuật, vì vậy mình không giỏi về con số. Mình có khả năng tính toán trong các vấn đề liên quan đến nấu ăn, đồ uống nhưng không phải trong các chi tiết tài chính cụ thể. Nếu mình cố gắng quá nhiều về tài chính, mình cảm thấy bị quá tải. Vì vậy, mình rất may mắn khi vợ mình rất giỏi trong lĩnh vực này. Mình luôn tin rằng người giỏi việc nào thì để họ làm việc nấy.

Có một câu nói từ đầu bếp đầu tiên mình nhận được và đã xăm nó trên người: "Expect the unexpected," tức là luôn sẵn sàng cho những điều bất ngờ. Với góc nhìn kinh doanh, mình biết rằng việc tổ chức một nhà hàng cần phải có đội ngũ và sự phối hợp tốt để giải quyết các vấn đề phát sinh. Chỉ một mình mình thì không thể dự đoán mọi thứ. Đó là lý do mình luôn chọn những người có kỹ năng và kinh nghiệm tốt để cùng mình phát triển.

Frank sẽ đầu tư vào bản thân, vào nghề và công việc như thế nào để đạt được mục tiêu sắp tới?

Mình chọn đầu tư vào đam mê vì đam mê sẽ dẫn mình đến những nơi mình cần đến. Bên cạnh đó, nếu mình đủ dũng cảm để theo đuổi nó, mình cũng sẽ vượt qua những khó khăn và rút ra được những bài học quý giá và giá trị cho cuộc đời này.

Câu chuyện nhà đầu tư khác

nhà đầu tư 0
nhà đầu tư 1
nhà đầu tư 2
nhà đầu tư 3
nhà đầu tư 4
nhà đầu tư 5
nhà đầu tư 6
nhà đầu tư 7
nhà đầu tư 8
nhà đầu tư 9
nhà đầu tư 10
nhà đầu tư 11
nhà đầu tư 12
nhà đầu tư 13
nhà đầu tư 14
nhà đầu tư 15
nhà đầu tư 16
nhà đầu tư 17
nhà đầu tư 18
nhà đầu tư 19
nhà đầu tư 20
nhà đầu tư 21
nhà đầu tư 22
nhà đầu tư 23
nhà đầu tư 24
nhà đầu tư 25
nhà đầu tư 26
nhà đầu tư 27
nhà đầu tư 28
30 years logodragon capital logo